Bối cảnh Hòa_ước_Roskilde

Thời đó, Thụy Điển đang có một cuộc chiến tranh với Ba Lan (1655-1660) và một cuộc chiến tranh với Nga (1656-1661). Vua Frederik III của Đan Mạch thấy có cơ hội tấn công Thụy Điển để lấy lại các phần đất đã nhượng cho Thụy Điển theo Hòa ước Brömsebro ngày 13 tháng 8 năm 1645.

Ngày 1 tháng 6 năm 1657, Frederik III tuyên chiến với Thụy Điển, nhưng mãi tới ngày 20 tháng 6 năm 1657 vua Karl X Gustav của Thụy Điển mới nhận được chiến thư tại thành phố Torun (nay thuộc Ba Lan). Karl X Gustav liền dẫn quân đi bộ tốc hành vòng từ phía nam qua Holstein lên tấn công và chiếm bán đảo Jutland của Đan Mạch. Ngày 24 tháng 10 năm 1657, quân Thụy Điển tấn công và chiếm pháo đài Frederiksodde (tại Fredericia, đông nam Jutland), giết hơn 1.000 quân Đan Mạch và cầm tù khoảng hơn 2.000 quân nữa. Ngày 30 tháng 1 năm 1658, Karl X Gustav dẫn 9.000 kỵ binh và 3.000 bộ binh đi bộ qua Eo biển Lillebælt bị đóng băng, sang cướp phá đảo Fyn. Sau đó đi bộ tiếp qua các eo biển bị đóng băng sang đảo Tåsinge, Langeland, Lolland, Falster rồi vào miền nam đảo Zealand, tiến lên uy hiếp Copenhagen. Ngày 15 tháng 2 năm 1658, quân Thụy Điển tới cách Copenhagen 20 km. Chính phủ Đan Mạch hoảng loạn, liền xin giảng hòa. Hai bên thương thuyết tại Høje Tåstrup ngày 18 tháng 2 năm 1658 và chính thức ký Hòa ước tại Roskilde ngày 26 tháng 2 năm 1658.

Điều mà tình báo của Thụy Điển được biết - nhưng Đan Mạch không biết - là Áocông quốc Brandenburg (thuộc Đế quốc La Mã Thần thánh) đã quyết định gửi 23.000 quân sang để hỗ trợ Đan Mạch chống Thụy Điển, nên Thụy Điển đã gấp rút thương lượng và giảm bớt đòi hỏi để nhanh chóng đạt được thỏa thuận có lợi cho mình.